image banner
Giới thiệu về địa phương
ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, DÂN SỐ, KINH TẾ, VĂN HÓA XÃ HỘI XÃ THANH BÌNH

       Vị trí địa lý: Thanh Bình là xã nông nghiệp thuộc huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, mang mã số hành chính 02779, Trung tâm xã nằm ở vị trí tọa độ: 22 độ, 45 phút, 48 giây kinh độ Bắc - 104 độ, 07 phút, 13 giây kinh độ Đông. Thanh Bình là xã vùng cao nội địa của Huyện Mường Khương, nằm về phía Tây Nam của huyện, Phía Bắc giáp thị trấn Mường Khương, phía Nam giáp xã Lùng Vai, phía Đông giáp xã Lùng Khấu Nhin và xã Nấm Lư, Phía đông Nam giáp xã Cao Sơn, phía Tây giáp xã Nậm Chảy, trung tâm xã cách trung tâm huyện 12 km. Xã có tổng diện tích tự nhiên là: 3.572,05 ha, đất nông nghiệp là 3.249,83 ha chiếm 90,98% tổng diện tích tự nhiên. Đất sản xuất nông nghiệp là 2.159,99 ha, trong đó: Đất trồng cây hàng năm 1.734,41 ha, trong đó: đất trồng lúa 350,99 ha chiếm 20.24% đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây hàng năm khác 1.383,42 ha; Đất lâm nghiệp: 1.088,43 ha, trong đó: Đất rừng sản xuất 389,0 ha, đất rừng phòng hộ 699,43 ha);

         Dân số: Đầu 2023 toàn xã có 763 hộ= 3.764 khẩu, có 11 dân tộc cùng sinh sống đan xen ở 8 thôn. (Trong đó: dân tộc Nùng 41,4%, dân tộc Mông 23,8 %, dân tộc Tu Dí 14,8 %, dân tộc dao 11,3 %, còn lại các dân tộc khác 9,6 %, Tổng số hộ nghèo 348 hộ = 45,60%, Hộ cận nghèo = 202 hộ = 26,47%.

         Kinh tế: Thanh Bình là một xã miền núi, có địa hình phức tạp, được kiến tạo bởi nhiều dãy núi chạy dọc theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Do địa hình bị chia cắt, phân tầng độ dốc lớn, xen kẽ những dải núi cao là các thung lũng sâu và nhỏ, nhiều nơi tạo thành vách đứng, vì vậy dễ xảy ra sạt lở, xói mòn, trôi đất trong mùa mưa, hơn nữa hệ thống sông suối của xã có bề rộng nhỏ và dốc nên gây nhiều khó khăn cho
sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn xã Thanh Bình có nhiều suối, khe lòng hẹp độ dốc lớn nên mùa mưa thường gây tình trạng ngập úng, về mùa khô thì
lưu lượng và trữ lượng nước thấp thường gây khô hạn cho sản xuất nông nghiệp.
      Trước kia đời sống sinh hoạt của người dân là tự cung tự cấp giao thông đi lại còn khó khăn, việc trao đổi mua bán, thông thương hàng hoá còn hạn chế, người dân phải tự sản xuất ra các mặt hàng để phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày như các sản phẩm: Rượu ngô, đậu xị, thịt cheo, lạp xườn, nấu rượu, dệt thổ cẩm, mây che đan.

       Ngày nay người dân Thanh Bình tiếp cận với phương thức sản xuất hàng hóa, cơ cấu kinh tế của xã Thanh Bình đã thay đổi và phát triển theo hướng: Nông - lâm nghiệp - dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp. Phát huy lợi thế của xã, các thành phần kinh tế đã phát huy và ngày càng khẳng định thế đứng vững chắc. Cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ ngày càng hình thành và phát triển; ngành nông nghiệp chủ đạo đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa ngày càng rõ nét; người dân trong xã ngày càng có điều kiện tham gia các hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Sau năm 2000, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ cho vùng đặc biệt khó khăn, kinh tế xã Thanh Bình đã có bước phát triển đột phá, đời sống Nhân dân được cải thiện nhanh chóng. Từ năm 2011, thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, được sự hỗ trợ đầu tư của Chính phủ, của tỉnh, của huyện, sự ủng hộ của một số tập thể cá nhân, sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền xã, sự khát vọng vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng của Nhân dân các dân tộc trong xã. Đến tháng 12/2018, xã Thanh Bình đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

         * Lễ hội, văn nghệ dân gian; Thanh Bình là xã vùng cao nội địa của Huyện Mường Khương, có 11 dân tộc sống đan xen ở 8 thôn bản như: Mông, Nùng, Tày, Dao, Phù Lá, Thu Lao, Pa Dí, Bố Y, Kinh, Dáy,..., mỗi dân tộc có tiếng nói, nét văn hóa và phong tục tập quán riêng, những nét đẹp văn hóa đó là tài sản quý giá của đồng bào. Cộng đồng các thôn, bản là nơi lưu giữ các truyền thống văn hoá của mỗi dân tộc nhằm bảo tồn và phát triển, các ngành nghề truyền thống hiện có như: Nghề đan mẹt, may thổ cẩm, Yên ngựa... và các phong tục tập quán như Lễ tết tín ngưỡng “tết Sử Giề Pà) hay gọi là tết “Tạ ơn Trâu” và lễ “Quét làng của dân tộc Bố Y, múa khèn của người Mông, lễ cất sắc của dân tộc Dao, cúng rừng của Dân tộc Nùng, …sự giao lưu kinh tế, văn hoá giữa 11 dân tộc tạo nên một bản sắc văn hóa riêng của xã Thanh Bình.

          Cộng đồng các dân tộc cư trú ở xã Thanh Bình dù ít hay nhiều, nhưng tất cả đều có tinh thần đoàn kết cao, cùng đấu tranh bảo vệ và xây dựng vùng đất Thanh Bình năng động, sáng tạo, có ý chí tự lập tự cường, khắc phục khó khăn, kế thừa và phát huy những kinh nghiệm và thành quả đạt được trong lao động sản xuất, đấu tranh cải tạo tự nhiên, phát triển nền văn hoá - kinh tế - xã hội, đây thực sự là nguồn nội lực quan trọng để xã Thanh Bình phát triển trong tương lai.

         Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn xã Thanh Bình đã từng bước được khôi phục (phục dựng) Tết “Sử Giề Pà” của người Bố Y; lễ quét làng của dân tộc Bố Y,”; Chữ nôm của dân tộc Dao, và những điệu múa và những làn điệu dân ca luôn được phát huy, bên cạnh việc giữ gìn dân ca, tiếng hát của dân tộc, thì các nhạc cụ truyền thống của dân tộc cũng luôn được chú trọng và quan tâm, một số nhạc cụ truyền thống vẫn đang được gìn giữ, như đàn 4 dây, nhị, trống… của dân tộc bố Y, Nùng, Mông….

        Thanh Bìnhnhiều danh lam thắng cảnh; có cảnh quan tự nhiên đẹp, giàu giá trị văn hóa, lịch sử đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển một số loại hình du lịch: Sinh thái, Tâm linh, Khám phá thiên nhiên, văn hóa - lịch sử, cụ thể: Những đồi chè Sín Hồ, Lao Hầu, Sín Chải….Thung lũng ruộng Nậm Rúp, Văng Đẹp, Đặc biệt xã Thanh Bình còn có làng nghề truyền thống đan mẹt, may thổ cẩm trang phục truyền thống của dân tộc Nùng, dân tộc Bố Y…..

        Ngoài ra trên địa bàn còn có chợ km 15 thôn Sín Chải là nơi hội tụ giao lưu các hoạt động văn hóa truyền thống, là điều kiện phát triển du lịch cộng đồng, phát triển kinh tế giao thương giữa các dân tộc trong xã, ngoài xã.

      Thanh Bình còn có những sản phẩn đặc trưng và nổi tiếng như: Mía Sương gà, Mận tam hoa, cây ổi, bưởi, cam, quả Na, cây ớt, đặc biệt là cây chè, đây là một trong những cây chủ lực để phát triển kinh tế nâng cao thu nhập của xã Thanh Bình./.

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập